Huỳnh Công Giản là một vị quan võ có tài, quê ở làng Nhật Tảo. Năm 1749 (Kỷ Tỵ), triều đình chúa Nguyễn cử ba anh em nhà họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, và Huỳnh Công nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện việc di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương.
Chống quân Miên, bảo vệ biên cương
Vùng Tây Ninh vào thế kỉ 17 còn hoang vu, người Miên đến đây đầu tiên, sau người Việt đến. Cao Miên lúc đó còn là thuộc địa của Xiêm, họ không thích chung chạ với người Việt. Do đó, họ nổi dậy đánh nhau với người Việt nhiều lần giữa thế kỉ 17. Lúc đó, đền đài của vua Miên là Nặc Ông Chân đóng tại xã Thanh Điền (huyện Châu Thành), gần ngọn rạch Tây Ninh ngày nay, dân chúng địa phương quen gọi là Phủ Cũ. Sau nhiều lần đánh, quân Miên đã bị đẩy lui.
Huỳnh Công Giản đã cùng em trai là Huỳnh Công nghệ lập căn cứ kháng Miên, đóng đồn tại Bến Thứ, gần ngọn rạch Sóc Om (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành). Ông chiếm cứ một cánh đồng rộng gọi là đồn Trà Vong (xã Thái Bình). Bờ thành vô cùng kiên cố. Bấy giờ, những trận đụng độ giữa người Việt và Miên diễn ra kéo dài suốt mấy mươi năm với vũ khí rất thô sơ: gươm, đao, giáo mác, cung tên.
Một buổi sáng, quân Miên dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công đồn Trà Vong. Bị tấn công bốn mặt nhưng quân của ông Huỳnh Công Giản cũng kịp thời phản công mãnh liệt. Tuy nhiên, vì quân địch quá đông, ông đã cho quân liên lạc với Huỳnh Công nghệ kêu viện binh. Tướng Huỳnh Công Giản tả xung hữu đột dưới vòng vây của kẻ địch. Khi ông đã thấm mệt, nhìn lại thì số quân sĩ hi sinh quá nhiều, trong lúc viện binh chưa đến kịp. Ông vung gươm tử chiến cùng quân Miên đến lúc kiệt sức rồi quay gươm tự cắt đầu tuẫn tiết.
Đền thờ quan lớn Trà Vong
Tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong việc khẩn hoang lập ấp và giữ gìn bờ cõi, biên cương của Tổ quốc, nhân dân trong vùng lập các đền thờ, dinh miếu ở nhiều nơi và gọi ông là Quan lớn Trà Vong. Sau này, người dân còn xây nhà tưởng niệm Huỳnh Công Giản bên bờ suối Trà Vong- đối diện với ngôi mộ của ông. Giữa nhà tưởng niệm và khu mộ của ông được nối nhau bằng một chiếc cầu bê tông xi măng. Hằng năm, vào ngày 15-16 tháng ba âm lịch, tại khu di tích diễn ra lễ Kỳ yên Quan lớn Trà Vong. Mỗi dịp cúng tế có cả ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cúng viếng. Lễ hội bắt đầu với các tiết mục múa lân khai mạc, rước sắc ấn thần từ ngôi mộ ông Huỳnh Công Giản về nhà tưởng niệm, chào cờ, mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, ôn lại tiểu sử Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Tiếp theo đó là các nghi thức dân gian như lễ tế thần, đăng tế điện, dâng sớ, thắp hương tưởng niệm…
Năm 2004, mộ Quan lớn Trà Vong được UBND tỉnh ký ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2009, được UBND tỉnh đồng ý và sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Ban Quản lý lăng mộ đã phục chế sắc ấn và sắc phong của Quan lớn Trà Vong. Năm 2019, lễ hội Quan lớn Trà Vong được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.
Chuyện huyền bí nơi thờ vị anh hùng không được ghi vào chính sử
Theo ông Nguyễn Văn Liễm, trước khi có ngôi đền như ngày nay, mộ ông Huỳnh Công Giản đã có trên 200 năm bị bỏ quên, không ai biết đến. Khi đó, người dân chỉ biết đó là gò mộ bỏ hoang của người đời trước còn lại, nằm dưới gốc cây trầm cổ thụ, giữa cánh đồng ít người qua lại. Mãi đến năm 1997, ông Trần Văn Quơn, một người dân ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh) tinh thông lịch sử tìm đến, kết hợp với chính quyền và người dân địa phương tìm kiếm. Từ tấm bia đá bằng chữ Nho còn trên mộ mà xác định được đó là mộ của Quan lớn Huỳnh Công Giản. Ông Trần Văn Quơn (cựu trưởng ban Quản lý đền) cũng chính là người đã đi xin giấy phép, phát động người dân hai huyện Hòa Thành và Tân Biên quyên góp, dựng lên lăng mộ Quan lớn Trà Vong bề thế như ngày nay.
Tuy nhiên, đây không phải là nơi duy nhất thờ Huỳnh Công Giản. Từ thị xã Tây Ninh, dọc theo trục quốc lộ 22B, lên đến ngã ba Vịnh (huyện Hòa Thành), Mõ Công, Trà Vong, Trại Bí (huyện Tân Biên) sang đến Cẩm Giang, Bến Cầu (huyện Gò Dầu), người dân lập nên một hệ thống đền, miếu thờ những vị anh hùng đã có công đánh giặc, mang lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Trong đó, đền, miếu thờ Quan lớn Trà Vong là nhiều nhất.
Cạnh bên bờ Suối Vàng, thuộc khu lòng chảo sát chân núi Bà Đen có một ngôi đền thờ Huỳnh Công Giản, khói hương nghi ngút không bao giờ dứt. Tương truyền đó là nơi luyện tập binh mã ngày xưa của quan lớn Trà Vong. Tới giờ, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện nhuốm màu huyền bí rằng vào những năm xa xưa, cứ lâu lâu người ta lại thấy xuất hiện giữa đêm trăng thanh vắng, một đạo quân kỳ bí, gươm sáng chói lòa, người ngựa phóng như bay, dẫn đầu là một vị tướng mặc áo bào đỏ, oai phong lẫm liệt. Đạo binh xuất hiện như chớp rồi cũng nhanh chóng mất hút vào bóng đêm của núi rừng.
Các vị bô lão quanh vùng đồn rằng, đó chính là “đạo binh ma” của vị tướng Huỳnh Công Giản, trong lúc sa cơ đã tuẫn tiết mà chết. Và hào khí của vị tướng anh hùng và đạo binh trung thành kia, hồn vẫn còn quyện mãi cùng non sông đất nước. Tuy nhiên, cũng theo ông Liễm thì đó chỉ là những lời đồn vô căn cứ của người xưa truyền lại. Chỉ có điều, công trạng khai quốc công thần của Huỳnh Công Giản với vùng đất Tây Ninh là có thật, và tấm lòng kính phục, biết ơn của người dân Tây Ninh với ông vẫn đang hiện hữu. Dù lịch sử nhà Nguyễn không ghi chép lại, nhưng nhân dân đã thiên hóa ngài như một vị thần. Để đến hôm nay, ngày giỗ Quan lớn Trà Vong trở thành một lễ hội dân gian đặc sắc của riêng vùng đất biên giới Tây Ninh này.